Đối với người Việt, kết hôn là một sự kiện trọng đại của đời người, vì vậy hôn lễ luôn được tổ chức long trọng với 06 nghi lễ ý nghĩa và độc đáo. Song, theo thời gian một số nghi thức đám cưới rườm rà đã bị lượt bỏ để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng cũng không vì thế mà giảm đi sự thiêng liêng của lễ cưới.
Theo quan niệm của người Việt xưa, “tậu trâu cưới vợ làm nhà” tức sự nghiệp, cưới vợ và làm nhà là ba việc lớn trong đời người cần phải hoàn thành. Chính vì thế, lễ cưới rất được mọi người quan tâm và chuẩn bị chu đáo, long trọng. Trong đó, ít nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, ông bà ta tổ chức đám cưới theo 06 nghi lễ sau: Lễ nạp thái (lễ chạm ngõ), lễ vấn danh, lễ nạp cát (lễ ăn hỏi), lễ nạp chính (lễ nạp tệ), lễ thỉnh kỳ (lễ xin cưới) và lễ thân nghinh (lễ thành nghênh).
Theo quan niệm người Việt xưa, đám cưới phải có đủ 6 lễ
Lễ nạp thái hay còn gọi là lễ chạm ngõ, khi mai mối xong, hai nhà đều đồng ý thì nhà trai tiến hành đưa sang nhà gái một mâm lễ gồm vài bao trà và một ít trầu cau mở đầu cho câu chuyện cưới xin.
Lễ nạp thái là phần lễ đầu tiên trong 06 nghi lễ đám cưới truyền thống xưa
Lễ vấn danh là lễ hỏi họ tên, cả hai nhà cùng trao đổi danh thiếp. Thông qua người mai mối, nhà trai gửi đến nhà gái mâm lễ vật nhỏ có chè, rượu và trầu cau. Sau đó, nhà gái sẽ cho nhà trai biết ngày, tháng, năm sinh của cô gái để về xem tuổi (còn gọi là so tuổi) chọn ngày lành kết hôn.
Lễ nạp cát còn được gọi là lễ ăn hỏi. Sau lễ vấn danh so tuổi, khi thấy đôi trẻ hợp tuổi nhau, nhà trai sẽ đánh tiếng với nhà gái xin làm lễ ăn hỏi, đồng thời hỏi ý kiến chi tiết về số lượng và lễ vật xin cưới. Đặc biệt, sau khi thống nhất các mâm lễ vật cần thiết, nếu nhà gái muốn lễ to có thể nói ý tứ rằng: Họ hàng bên nội, bên ngoại đông, quan hệ bạn bè rộng, nhà trai liệu bề mà biện lễ.
Lễ nạp chính có tên gọi khác là lễ nạp tệ, nhà gái sẽ “thách cưới” nhà trai về sính lễ như: tiền bạc, trang sức, heo bò,… Từ đó, nhà trai tuỳ theo khả năng mà đáp ứng những yêu cầu trên của nhà gái.
Lễ thỉnh kỳ là lễ hẹn ngày xin cưới. Sau lễ nạp tệ, khi sính lễ nhà trai đã đưa sang nhà gái đầy đỉ, hai bên sẽ lên kế hoạch cụ thể ngày, giờ đón dâu. Lễ này thường diễn ra đơn giản và nhanh chóng do đã xem kỹ các ngày tốt ở những nghi lễ trước.
Lễ thân nghinh là nghi lễ cuối cùng để hoàn thành đám cưới
Lễ thân nghinh là nghi lễ đón dâu - nghi lễ cuối cùng để hoàn thành đám cưới. Đây là ngày cô dâu hạnh phúc nhất khi được chú rể và nhà trai sang đón về nhà một cách trang trọng. Sau lễ này, đôi vợ chồng trẻ chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân gắn bó lâu bền.
Một số nghi lễ truyền thống trong đám cưới người Việt xưa vẫn được duy trì cho đến nay
Ngày nay, một số nghi thức trong 06 lễ trên đã bị lượt bỏ chỉ giữ lại từ 2 - 3 lễ tùy gia đình nhằm tiết kiệm thời gian, giảm bớt gánh nặng cho cô dâu chú rể. Dù không còn tổ chức đầy đủ 06 nghi lễ nhưng đám cưới người Việt hiện đại vẫn duy trì nhiều nghi thức truyền thống, góp phần lưu giữ và truyền tải những nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi của dân tộc.
Lam Chi
Bình luận