(TAP) - Vào mỗi dịp rằm tháng bảy (Âm lịch) hằng năm, tại nhiều vùng lãnh các nước châu Á diễn ra một đại hội vô cùng ý nghĩa nhằm thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành. Ở Việt Nam, ngày lễ đặc biệt này là một trong những lễ hội chính của Phật giáo mang đậm nét nhân văn với tên gọi Lễ Vu Lan.
Lễ hội Vu lan có nguồn gốc xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ nằm trong tập kinh Vu Lan Bồn của Phật giáo.
Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ
Theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học, từ ngàn xưa, người Việt ta đã hình thành và đề cao truyền thống hiếu đạo, thể hiện trên nhiều bình diện của cuộc sống. Cho đến khi Phật giáo du nhập Việt Nam, nền văn hóa tôn giáo đã hòa quyện vào văn hóa đạo hiếu ấy. Chính vì lẽ đó, Lễ Vu Lan không chỉ dành riêng cho tín đồ đạo Phật mà còn cho toàn thể con dân đất Việt, mang những ý nghĩa cơ bản sau:
1. Nhắc nhở mọi người báo hiếu cha mẹ:
Trong triết lí đạo Phật luôn đề cao các mối quan hệ con người trong xã hội nhất là giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt, chữ hiếu được đề cao hơn cả, trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Điều này tương đồng với quan điểm dân tộc Việt Nam. Trước mặt trái của nền kinh tế, lối sống thực dụng ảnh hưởng đạo đức và đạo hiếu con người, sự hiện diện ngày lễ Vu Lan mang ý nghĩa to lớn, giảng dạy hiếu đạo qua những tấm gương thực tế. Con cái báo hiếu cha mẹ phải thực hiện bằng hành động thiết thực. Đây là giá trị lớn nhất của lễ Vu Lan.
2. Giáo dục lòng nhân ái, từ bi của con người trong các nối quan hệ
Cùng với đạo hiếu truyền thống, đức báo ân cũng thấm sâu vào đời sống, củng cố đạo đức trong xã hội Việt Nam. Hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa đạo đức người Việt là hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Tất cả đã tạo nên một ngày lễ của tình thương yêu, góp phần lan tỏa việc giáo dục đạo đức cho con người.
3. Góp phần khắc sâu vào tâm thức con người Việt Nam đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”
Trong những năm gần đây, Việt Nam tổ chức lễ Vu Lan ngày càng quy mô, trọng thể tạo điều kiện cho các Phật tử và nhân dân tưởng nhớ, báo ân ông bà, cha mẹ. Thông qua việc đến chùa cầu an cho người còn sống và cầu siêu hồi hướng công đức cho ông bà, tổ tiên đã khuất. Đây chính là tinh thần nhân văn cao cả nhất trong triết lí Phật giáo, tôn vinh thêm giá trị đại lễ Vu Lan.
Hình ảnh Phật tử thắp đèn trong đại lễ Vu Lan
Thông thường, nghi lễ thờ cúng tại gia thực hiện theo trình tự: cúng Phật, thần linh, gia tiên, cúng chúng sinh. Tùy thuộc vào từng vùng mà các địa phương sẽ có thêm tục lệ riêng. Chẳng hạn như ở Quy Nhơn, người dân xếp thuyền giấy thả ra biển để tưởng nhớ những nạn nhân mất tích. Ở các chùa và hội đoàn Việt Nam, có nghi thức “Bông hồng cài áo” khởi xướng bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bông đỏ cho người còn cha còn mẹ, bông hồng cho người chỉ còn cha hoặc mẹ và bông trắng cho người mất cả hai đấng sinh thành.
Ngoài ra, lễ Vu Lan trùng hợp với ngày Xá tội vong nhân. Theo phong tục Á Đông, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân, mọi tù nhân Địa ngục có cơ hội xá tội, thoát sanh. Thế nên, ngoài mâm cúng ông bà, tổ tiên trong nhà, mọi người sẽ chuẩn bị thêm mâm ngoài trời gọi là cúng chúng sinh bắt đầu từ ngày 10 đến trước trưa Rằm tháng 7.
Minh Minh
Bình luận