NASA vừa phóng thành công kính viễn vọng James Webb vào không gian, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành khoa học vũ trụ của thế giới.
Báo VTV (Việt Nam) đưa tin, vào khoảng 19 giờ 20 phút ngày 25/12, tại căn cứ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ở Guiana (một tỉnh của Pháp ở Nam Phi) tên lửa Ariane 5 mang theo kính viễn vọng hồng ngoại James Webb đã được NASA phóng thành công lên vũ trụ.
Sau 27 phút tên lửa Ariane 5 bay siêu thanh vào không gian, kính viễn vọng James Webb phóng lên vũ trụ từ tầng trên của tên lửa, cách Trái đất khoảng 865 dặm (khoảng 1.392 km). Theo một video ghi lại bởi camera gắn trên tầng trên của tên lửa, sau khi bay ra khỏi tên lửa, James Webb di chuyển nhẹ nhàng trong tiếng vỗ tay của các kỹ sư trung tâm điều khiển tên lửa.
Theo báo Tuổi trẻ (Việt Nam), kính viễn vọng hồng ngoại James Webb được đặt tên theo cố Giám đốc NASA – ông James Webb và phải mất 3 thập kỷ để hoàn thiện. Với sự đầu tư “khổng lồ” từ các kỹ sư, chiếc kính viễn vọng trị giá 9 tỷ USD này kỳ vọng sẽ trở thành đài quan sát khoa học vũ trụ hàng đầu trong thập kỷ tới.
So sánh với kính viễn vọng Hubble (hoạt động chủ yếu bằng bước sóng quang học và tia cực tím), James Webb có độ nhạy gấp 100 lần. Khi bay vào không gian, James Webb chủ yếu phụ trách quan sát vũ trụ bằng quang phổ hồng ngoại, nhìn xuyên qua các đám mây khí và bụi nơi các ngôi sao được sinh ra. Vì vậy, nó sẽ là con mắt khổng lồ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về nguồn gốc của vũ trụ cũng như tìm kiếm những hành tinh khác giống Trái đất.
Được biết, trọng lượng của James Webb lên đến 14.000 pound. Trong vòng 13 ngày tiếp theo khi tự do di chuyển trong không gian, kích thước của nó sẽ dần mở rộng gần bằng một sân tennis. Dự kiến, sau khoảng hai tuần bay trong vũ trụ, James Webb đến quỹ đạo Mặt trời và cách Trái đất 1 triệu dặm (xa hơn mặt trăng khoảng 4 lần). Với quỹ đạo đặc biệt của mình, James Webb luôn luôn di chuyển thẳng hàng Trái đất và sẽ cùng nhau quay quanh Mặt trời.
Gia Hưng (TH)
Bình luận