(TAP) - Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam trong năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ. Quốc gia này cũng nhập kỷ lục mặt hàng gạo giá thành thấp để phục vụ chế biến thành phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Thông tin trên trên được trích dẫn từ báo cáo “Ước tính cung cầu nông sản thế giới” (World Agricultural Supply and Demand Estimates) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture, viết tắt: USDA) công bố ngày 11/10 vừa qua. Nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể đạt mức 8,6 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2024 - tức tăng thêm 300.000 tấn so với dự báo trước đó từ chuyên gia. Đồng thời, con số này cũng cao hơn 500.000 tấn so với kết quả xuất khẩu cùng kỳ năm 2023 (8,1 triệu). Sự bùng nổ này đến từ nhu cầu ngày càng tăng cao từ các thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á, điển hình là Philippines và Indonesia. Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất lịch sử và có khả năng trở thành đơn vị nhập khẩu gạo xếp thứ 3 thế giới, nhận định của cơ quan nông nghiệp phía Chính phủ Hoa Kỳ.
Việt Nam có thể đạt mức 8,6 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2024 (Nguồn: Bộ Công thương Việt Nam)
Theo số liệu thống kê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan (Việt Nam) cung cấp cho truyền thông, trong 9 tháng đầu năm nay, nước này đã chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo. Con số này tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2023, vượt qua cả tổng kim ngạch nhập khẩu của toàn bộ năm trước. Truyền thông Việt Nam (tờ Thanh Niên) cho biết, chính quyền Hà Nội đã tăng nhập khẩu gạo trong cả năm 2024 từ 2,6 triệu tấn (dự báo cũ) lên 2,9 triệu tấn. Qua đó, trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Philippines (4,7 triệu tấn) và Indonesia (3,8 triệu tấn).
Về lý do xuất khủng, nhập kỷ lục mặt hàng gạo, tờ SGGP (English Edition) trích dẫn chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến lương thực quốc nội giải thích, những năm gần đây, nông dân Việt Nam đã bỏ giống lúa có phẩm cấp thấp để chuyển sang sản xuất loại lúa chất lượng và giá bán cao, phục vụ xuất khẩu. Gạo nhập khẩu thường có giá rẻ, nguồn gốc từ Ấn Độ để chế biến bánh, sợi bún hoặc thức ăn chăn nuôi.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo gần đây của USDA là xuất khẩu của Pakistan, Thái Lan và Việt Nam - những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, chỉ sau Ấn Độ đều giảm khi lệnh cấm xuất khẩu được chính quyền New Delhi gỡ bỏ.
Báo cáo về nguồn cung cầu nông sản toàn cầu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (Nguồn: United States Department of Agriculture)
Như TAP News thông tin, trước đó vào tháng 7/2023, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực do thiên tai, biến đổi khí hậu dẫn đến thị trường giá gạo tăng vọt, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu và khép kín nguồn cung, phục vụ nhu cầu trong nước. Trong bối cảnh lượng tồn kho tăng cao và nông dân chuẩn bị vụ mùa thu hoạch, truyền thông nước này (The Indian Express) cho biết, chính quyền New Delhi tháng 9/2024 đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng như xóa bỏ thuế hoặc giảm xuất khẩu đối với một số loại gạo.
Nhìn chung, khi thị trường Ấn Độ trở nên “cởi mở”, tỷ trọng xuất khẩu của các quốc gia xếp sau như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan đều chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả nhà xuất khẩu này vẫn đạt lượng xuất khẩu lớn hơn trong năm 2023 - 2024. Dự kiến lượng dự trữ cuối cùng của thế giới tăng 5,0 triệu tấn lên 182,2 triệu, chủ yếu vẫn nhờ lượng dự trữ cao hơn của New Delhi, nơi chúng tăng 4,0 triệu tấn lên mức kỷ lục 43,0 triệu tấn gạo.
Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng gạo chất lượng cao để tối ưu hóa lợi nhuận và nhập gạo giá rẻ để phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)
Danny Tran
Bình luận