(TAP) - Nội dung cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vừa được Fed công bố cho thấy, phần lớn người tham gia đều đồng tình có thể cắt giảm lãi xuất nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến theo kỳ vọng. Tuy nhiên, vẫn có một số lo ngại liên quan đến tác động của việc nới lỏng đối với thị trường.
Vào ngày 21/8 (giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board, viết tắt: Fed) đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (Federal Open Market Committee, viết tắt: FOMC) diễn ra trước đó từ ngày 30 - 31/7.
Theo định nghĩa từ Fed, FOMC là cơ quan thiết lập chính sách tiền tệ thuộc Cục, với thời hạn công bố kết quả họp thường kỳ là 03 tuần sau ngày ra quyết định chính sách (tức 21/8 như đã đề cập).
Thời điểm FOMC diễn ra, TAP News từng có bài viết đưa tin về việc Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức vốn được duy trì kể từ tháng 7 năm ngoái (5,25 - 5,50%), mức cao nhất trong 23 năm qua. Nguyên nhân vì lạm phát dù đang được duy trì ở mức phù hợp, phần lớn các nhà hoạch định chính sách cho biết vẫn cần tiếp tục theo dõi để tránh những rủi ro phát sinh.
Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - ông Jerome Powell tại cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ngày 30 - 31/7 (Nguồn: Board of Governors of the Federal Reserve System)
Tuy đa số bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất chuẩn, cuộc họp FOMC cuối tháng 7 vẫn ghi nhận một số kiến nghị nên nới lỏng kể từ bây giờ thay vì phải chờ đến phiên họp tiếp theo.
Cụ thể, một ngày sau cuộc họp FOMC, Bộ Lao động (Department of Labor) báo cáo rằng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng đột biến. Một báo cáo khác về bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 còn cho thấy, chỉ 114.000 việc làm được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp tăng 4,3%.
Thời điểm đó, điều này khiến một số chuyên gia không thể ngồi yên mà quyết định đề xuất Fed nên có động thái ngay trong cuộc họp để xua tan nỗi lo suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Các dữ liệu công bố gần đây cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang giảm xuống mức bình thường, trong khi áp lực giá cả cũng giảm bớt, dữ liệu bán lẻ đã tốt hơn dự kiến, xoa dịu nỗi lo cho người tiêu dùng.
Quay lại biên bản vừa được công bố gần đây, bản tóm tắt nêu rõ rằng các quan chức Fed tại FOMC tự tin về hướng đi của lạm phát và cho biết, sẵn sàng nới lỏng chính sách nếu dữ liệu tiếp tục khả quan.
Biên bản cuộc họp cuối tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Nguồn: Board of Governors of the Federal Reserve System)
Cho dù tiến hành ngay hoặc chờ đợi thêm hai tháng để theo dõi, nhìn chung các chuyên gia đều đánh giá tích cực về viễn cảnh một đợt cắt giảm đầu tiên sau hơn 4 năm.
Truyền thông trong nước trích dẫn ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, diễn biến này (kéo dài đến tháng 9) có hai mặt, bao gồm cả tích cực và rủi ro tiêu cực. Thị trường chỉ tăng vào ngày tổ chức FOMC, nhưng nhanh chóng giảm mạnh trong các phiên tiếp theo do lo ngại tốc độ Fed nới lỏng chính sách tiền tệ còn chậm.
Bên cạnh đó, một số liệu khác cũng có tác động gián tiếp đến quyết định điều chỉnh lãi suất đó là bảng lương của lao động cũng có nhiều chuyển biến. Theo báo cáo thống kê được công bố cùng ngày bởi Cục Thống kê Lao động (Bureau of labor statistics) Hoa Kỳ về số liệu bảng lương phi nông nghiệp, ghi nhận từ tháng 4/2023 đến hết Quý I/2024, cơ quan này cho biết, mức tăng có thể đã bị phóng đại hơn 800.000 trường hợp.
Báo cáo gần đây của Cục Thống kê Lao động (Nguồn: Bureau of labor statistics)
Theo đó, một số người chuyên gia tại cuộc họp FOMC lưu ý, nới lỏng lãi suất trong điều kiện thị trường lao động hiện tại có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Kane Nguyen
Bình luận