Nhằm tiếp tục ngăn chặn nguy cơ chính phủ liên bang vỡ nợ, ngày 14/12 Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công lên mức 31.400 tỷ USD. Đây cũng là dấu chấm cho những đối đầu suốt nhiều tháng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Ngày 15/12, báo Tuổi trẻ (Việt Nam) đưa tin, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nâng giới hạn nợ của chính phủ liên bang từ 28.900 tỷ USD lên mức 31.400 tỷ USD và đang được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden chờ ký ban hành.
Theo đó, ngày 14/12 dự luật nâng trần nợ công của chính phủ liên bang được Thượng viện Mỹ đã thông qua với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Đến chiều cùng ngày, dự luật tiếp tục được Hạ viện Mỹ thông qua với 221 phiếu thuận và 209 phiếu chống.
Quốc hội Mỹ. Ảnh: Internet
Thông tin từ báo Tin tức (Việt Nam), mức trần nợ công được hiểu là số tiền mà Chính phủ Mỹ vay nhằm thực hiện nghĩa vụ đối với lĩnh vực công như: an sinh xã hội, phúc lợi y tế, trả nợ, trả lãi suất và các khoản thanh toán khác.
Như vậy, sau nhiều tháng bỏ ngỏ vì các nghị sĩ đảng Cộng hòa gây khó khăn việc dự luật nâng trần nợ công được thông qua sẽ giúp chính phủ liên bang có đủ nguồn lực tài chính cần thiết cho đến năm 2023. Đồng thời, giúp Chính phủ Mỹ có đủ ngân sách hoạt động xuyên suốt cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (ngày 8/11/2022).
Tuy nhiên, nhiều Nghị sĩ phía Cộng Hòa cho rằng việc thông qua dự luật nâng trần nợ sẽ tạo điều kiện để phe Dân Chủ tiếp tục được thông qua kế hoạch đầu tư “Build Back Better” (Tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn) của Tổng thống Biden trị giá 1.750 tỉ USD nhằm đầu tư vào mạng lưới an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 09/12 Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng giới hạn trần nợ công của chính phủ liên bang lên 28.900 tỷ USD.
Minh Huy (TH)
Bình luận