(TAP) - Đẩy nhanh giải quyết tranh chấp với Trung Quốc; thân thiết cùng thủ tướng Nga; cùng Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ lo ngại về các hành động nguy hiểm trên Biển Đông,… là hàng loạt hoạt động ngoại giao đáng chú ý của chính quyền New Delhi.
Ngày 31/7 vừa qua (giờ châu Á), Bộ Ngoại giao Trung Quốc (中华人民共和国外交部) và Bộ Ngoại giao Ấn Độ (Ministry of External Affairs of India) đồng loạt đưa tin cuộc họp lần thứ 30 về Cơ chế tham vấn và phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới (Working Mechanism for Consultation & Coordination, viết tắt: WMCC) giữa chính quyền Bắc Kinh và New Delhi.
Cuộc họp giữa cơ quan ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc ngày 31/7 (Nguồn: 中华人民共和国外交部)
Theo cơ quan ngoại giao hai nước, cuộc họp nhằm tập trung vào các vấn đề liên quan đến biên giới, giải quyết những tranh chấp và sớm đạt được giải pháp cho đôi bên. Như TAP News từng thông tin, Ấn - Trung là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới khoảng 3500 km. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra tranh chấp lãnh thổ khi có một khu vực được New Delhi công nhận là bang “Arunachal Pradesh”, trong khi Bắc Kinh cho rằng thuộc về vùng phía Nam Tây Tạng nước này.
Khi phần lớn cơ quan Chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu đưa tin hoặc hạn chế đưa ra bình luận, một số cơ quan truyền thông “cánh tả” lại có quan điểm ngược lại. Điển hình như tờ The Wire của Ấn Độ trong bài viết “Không có dấu hiệu đột phá nào nữa khi Ấn Độ và Trung Quốc họp vòng 30 do Bộ Ngoại giao chủ trì” (No Sign of Breakthrough Again as India, China Meet For 30th Round of Foreign Office-Led Talks), đã không ngần ngại đặt nghi vấn về hiệu quả cuộc họp.
Cũng trong trong tháng 7 qua, Bộ trưởng Ngoại giao (External Affairs Minister) Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau 02 lần bên lề hội nghị thượng đỉnh đa phương ở Astana (Kazakhstan) và Viêng Chăn (Lào).
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Nguồn: Ministry of External Affairs of India)
Trong khi tần suất này làm dấy lên suy đoán về sự “tan băng” (thaw) quan hệ, tuyên bố của người đứng đầu cơ quan ngoại giao các bên lại không cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong lập trường. Như vậy, mục đích các cuộc gặp của New Delhi là gì?
Giới quan sát tinh ý nhận ra, chỉ vài ngày trước khi bày tỏ quan điểm muốn giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh (29/7), Ngoại trưởng Ấn Độ từng tham gia cuộc họp cùng người đồng cấp phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và bày tỏ quan ngại về vấn đề hàng hải ở Biển Đông - một động thái nhắm đến hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Động thái “vừa đấm, vừa xoa” của chính quyền New Delhi được đánh giá là xu hướng ngoại giao trung lập đang phổ biến ở các quốc gia đã và đang trên đà phát triển. Lập trường chọn lẽ phải (bảo vệ công lý, tôn trọng chủ quyền, lợi ích hợp pháp của quốc gia mình) và không can thiệp hay bỏ phiếu trắng trước vấn đề nội bộ nước khác ở Việt Nam là một phong cách ngoại giao được biết đến với cái tên “cây tre” khá nổi tiếng.
Đây là một di sản ngoại giao dưới thời cựu Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được đề cập lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 ngày 22/8/2016. Với đặc tính linh hoạt, thực tiễn, lấy lợi ích quốc gia làm gốc, không ngả hoàn toàn về bất kỳ bên nào, đường lối ngoại giao này đã thể hiện được giá trị khi giúp Việt Nam đồng thời trở thành đối tác chiếm lược toàn diện với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, song vẫn có thể duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga, Triều Tiên,…
Trên thực tế, Hoa Kỳ đã từng nhiều lần muốn Ấn Độ trở thành đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vào 5/2023, Hoa Kỳ từng ngỏ ý muốn New Delhi trở thành quốc gia thứ 6 NATO+ mở rộng (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Israel, New Zealand) thay vì chỉ đóng vai trò đối tác. Thậm chí đến tháng 6 cùng năm, Washington, D.C tiếp tục nhắc lại điều này trong chuyến đi của Thủ tướng Ấn Độ đến Hoa Kỳ.
Tương tự Việt Nam, New Delhi vẫn giữ vững lập trường trung lập, không ngả về bên nào, song chỉ muốn duy trì mối quan hệ hợp tác, hưởng lợi ích kinh tế cùng nhiều quốc gia. Theo đó, Ấn Độ đã từ chối lời mời này.
Cần biết rằng, việc gia nhập vào liên minh sẽ giúp Ấn Độ hưởng lợi lớn từ các thỏa thuận hợp tác thương mại với Washington, D.C, bao gồm tiềm lực về khí tài quân sự để ứng phó với nguy cơ gia tăng căng thẳng, xung đột với Bắc Kinh nếu chẳng may xảy ra. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời đặt New Delhi vào tình thế đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Trong cục diện thế giới đa cực như hiện nay, việc duy trì ngoại giao và thể hiện quan điểm trung lập mang lại nhiều cơ hội cho cả an ninh và kinh tế. Nhờ duy trì quan điểm trung lập, tờ CNN của Hoa Kỳ nhận định, các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ đã đẩy Nga đến gần Ấn Độ hơn, giúp New Delhi được hưởng nhiều lợi ích kinh tế. Hiện nay, Ấn Độ đang là nền kinh tế xếp thứ 5 thế giới và có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng tiến xa hơn đến năm 2030.
Kelvin Huynh
Bình luận