(TAP) - Trước chuyến đi đến Nga dự BRICS, Trung Quốc đã công bố quy định kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng sử dụng cho mục đích kép, tức bao gồm dân sự lẫn quân sự. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Washington, D.C tăng cường trừng phạt các công ty Bắc Kinh “núp bóng” hoạt động dân dụng để hỗ trợ chiến tranh.
Từ ngày 22 - 24/10, Hội nghị thượng đỉnh BRICS (BRICS Summit) lần thứ 16 dự kiến được tổ chức tại Kazan (thành phố ở Nga). Trong đó, BRICS là tên viết tắt của các nước thành viên, bao gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Liên bang Nga và Nam Phi. Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China) công bố ngày 18/10 xác nhận, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự chương trình lần này theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận chuyến đi đến Nga của ông Tập Cận Bình (Nguồn: Embassy of the People's Republic of China in the United States of America)
Về kỳ vọng của Bắc Kinh tại Hội nghị năm 2024, Đại sứ quán Trung Hoa tại Hoa Kỳ (Embassy of the People's Republic of China in the United States of America) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Mao Ning cùng ngày cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để thúc đẩy sự phát triển ổn định, lâu dài của một “BRICS lớn hơn”. Như TAP News từng thông tin, không chỉ có 05 quốc gia cốt lõi, Hội nghị năm 2024 cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của các quốc gia mới như Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Ethiopia kể từ khi chính thức gia nhập vào 1/1/2024.
Chỉ một ngày sau khi xác nhận chuyến đi đến Nga (19/10), Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (The State Council of the People's Republic of China) bất ngờ công bố một bộ quy định kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có mục đích sử dụng kép. Đây là những sản phẩm hàng hóa hoặc công nghệ có thể được sử dụng cho cả hoạt động dân sự và quân sự. Quy định này có hiệu lực kể từ tháng 12/2024, với cam kết nhằm “thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân và nghĩa vụ quốc tế khác” của Bắc Kinh.
Máy bay không người lái (Nguồn: pexels)
Theo truyền thông Hoa Kỳ (CNBC), động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington, D.C tăng cường trừng phạt các doanh nghiệp Bắc Kinh bị nghi cung cấp máy bay không người lái (UAV) hỗ trợ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine. Kênh này dẫn lời Giám đốc điều hành của China Market Research Group - ông Benjamin Cavender quan ngại, UAV đóng vai trò rất lớn trong các cuộc xung đột gần đây. Chuyên gia nhận định, các vật liệu và công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực hàng không vũ trụ vẫn có thể nằm trong số những mặt hàng đầu tiên nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Về động thái ban hành quy định mới và gấp rút thực thi của đất nước tỷ dân, ông Benjamin Cavender cho rằng, Trung Quốc muốn cố gắng chứng minh đang tuân thủ các chuẩn mực tương tự những quốc gia khác về cách quản lý thương mại hàng hóa có mục đích sử dụng kép.
Cũng liên quan đến cáo buộc cung cấp UAV cho Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning trong một buổi họp báo gần đây đã phản bác, Trung Quốc không chấp nhận những cáo buộc, đồng thời cho rằng đó là những “áp lực không chính đáng” từ Hoa Kỳ. Nước này kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp bị cáo buộc tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc khẳng định không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đất nước tỷ dân chỉ đon thuần muốn kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép, đặc biệt là UAV cũng như phản đối việc sử dụng loại thiết bị dân sự này vào mục đích quân sự.
Long Mathew
Bình luận